Học cách nấu cháo gạo lứt chay giúp bạn có món ăn cực ngon miệng đãi cả nhà. Không chỉ vậy, món ăn này còn hỗ trợ giảm cân hiệu quả được nhiều người săn đón. Cùng bỏ túi ngay top 11 món cháo gạo lứt chay thơm ngon “tẩm bổ” sức khỏe nào.
Mục lục
11 cách nấu cháo gạo lứt chay ăn ngon
Cách nấu cháo gạo lứt hạt sen
Cùng vào bếp trổ tài đổi vị thực đơn cho cả nhà với món cháo gạo lứt chay hạt sen. Bát cháo nóng hổi có hương thơm ngon tự nhiên từ hạt sen và nấm hòa quyện. Cùng màu sắc bắt mắt sẽ khiến mọi người thích thú.
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 50g hạt sen khô
- 300g nấm bào ngư
- Gia vị: Nước mắm chay, muối, hạt nêm, hành boa rô, dầu ăn
Cách nấu cháo gạo lứt chay hạt sen
- Cho gạo lứt vào nồi, vo với nước rồi đổ ngập nước để ngâm qua đêm. Đây là cách để gạo nở khi nấu cháo sẽ chín nhừ mềm hơn.
- Rửa sạch hạt sen khô, ngâm với nước qua đêm cho nở mềm. Rồi rửa hạt sen lại lần nữa, bắc lên bếp luộc cho chín mềm.
- Rửa sạch nấm với nước muối pha loãng, vắt thật kỹ cho ráo hết nước. Cho ít dầu ăn vào chảo, bắc lên bếp đun sôi rồi cho nấm vào xào sơ qua.
- Cho gạo lứt vào nồi nước luộc hạt sen vừa rồi, bắc lên ninh cháo.
- Bắc chảo lên bếp, thêm 1 ít dầu ăn, đợi dầu nóng, cho hành boa rô vào phi thơm. Cho hạt sen, nấm vào xào, nêm ít muối, nước mắm chay, hạt nêm vào cùng, đảo đều.
- Sau khoảng 30 phút, gạo đã chín nhừ, cho hạt sen và nấm xào vào cùng. Đảo đều rồi tiếp tục ninh thêm khoảng 15 phút, tắt bếp.
Cách nấu cháo gạo lứt đậu đen giảm cân
Gạo lứt và đậu đen đều là những nguyên liệu thanh mát, cực tốt cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, đây cũng là món ăn được nhiều tín đồ ăn chay yêu thích. Bởi cả 2 nguyên liệu này đều giàu chất xơ hỗ trợ giảm cân an toàn và hiệu quả.
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 100g đậu đen
- Gia vị: Nước mắm chay, hạt nêm, muối
Cách nấu cháo gạo lứt chay đậu đen
- Cho gạo lứt và đậu đen vào nồi, vo sạch với nước rồi ngâm qua đem cho nở mềm.
- Cho thêm nước vào nồi, bắc lên bếp tiến hành ninh.
- Khi đậu đen và gạo lứt nở, chín nhừ, bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Tắt bếp, thưởng thức cháo ngay khi còn nóng để cảm nhận trọn vẹn hương vị.
Cách nấu cháo gạo lứt muối mè
Gạo lứt muối mè vốn là món ăn mà phần lớn các tín đồ giảm cân đều thích. Nếu bạn đã từng nấu cơm gạo lứt ăn cùng muối mè, thì hãy thử với món cháo này nhé. Cháo thơm ngon và hiệu quả giảm cân rất tốt.
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 300g đậu phộng
- 200g mè trắng (hoặc mè đen đều được)
- Gia vị: Muối, hạt nêm
Cách nấu cháo gạo lứt chay muối mè
- Vo sạch gạo lứt, ngâm qua đêm để hạt gạo nở mềm khi ninh sẽ nhanh chín và nhừ hơn.
- Cho gạo vào nồi, thêm ít muối, bắc lên bếp ninh nhừ.
- Rang vàng đậu phộng và mè rồi giã nhỏ.
- Khi cháo chín mềm, múc ra bát, rắc thêm lên trên đậu phộng và mè rang lên trên. Trộn đều và thưởng thức bát cháo gạo lứt chay muối mè nóng hổi.
Cháo gạo lứt yến mạch
Sự kết hợp giữa gạo lứt và bột yến mạch tạo nên món cháo thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, món cháo này làm giảm mức cholesterol, tăng hàm lượng chất xơ. Nhờ đó, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 50g yến mạch
- Gia vị: Muối, hạt nêm
Cách nấu cháo gạo lứt yến mạch
- Vo sạch và ngâm gạo lứt trong nồi để qua đêm.
- Cho gạo vào nồi, đổ nhiều nước, bắc lên bếp tiến hành nấu cháo.
- Sau khoảng 30 phút, cho yến mạch vào nồi, tiếp tục nấu thêm 10-15 phút.
- Khi cháo chín mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
- Lưu ý: Để rút ngắn thời gian, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách nấu cháo gạo lứt chay bằng nồi cơm điện.
Cách nấu cháo gạo lứt chay với đậu đỏ
Sử dụng cháo gạo lứt đậu đỏ là một phương pháp thực dưỡng của người Nhật. Đây cũng là bữa sáng tuyệt vời dành cho gia đình.
Nguyên liệu
- 200g gạo lứt
- 15g đậu đỏ
- 1 miếng phổ tai (bằng ½ bằng tay)
- 1 quả mơ muối (cắt nhỏ)
- 1 ít bột nghệ
- 5g hạt sen
- Gia vị: Muối
Cách nấu cháo gạo lứt chay dễ làm với đậu đỏ
- Vo sạch gạo lứt, ngâm với nước để qua đêm.
- Rửa sạch đậu đỏ, cho vào nồi bắc lên bếp luộc rồi vớt ra ngoài để ráo.
- Cách nấu cháo gạo lứt chay bằng nồi áp suất: Cho gạo lứt, đậu đỏ, hạt sen, phổ tai, mơ muối, bột nghệ, muối vào nồi áp suất, thêm 1 lít nước, nấu trong khoảng 20 phút.
- Tắt bếp, để nửa tiếng sau nấu tiếp lần 2 khoảng 20 phút. Cách này sẽ giúp các nguyên liệu chín nhừ và mềm hơn rất nhiều.
Cách nấu cháo gạo lứt chay chữa dạ dày
Cháo gạo lứt cũng là một thực phẩm điều trị dạ dày được nhiều người yêu thích. Sự kết hợp giữa gạo lứt, củ cải, cà rốt, nấm sẽ giúp bạn đẩy lùi những cơn đau dạ dày đấy.
Nguyên liệu
- 200g gạo lứt
- 1 củ cải trắng
- 1 củ cà rốt
- 100g nấm rơm
- Gia vị: Hạt nêm chay, nước tương, dầu mè, muối
Cách nấu cháo gạo lứt chay chữa dạ dày
- Gọt vỏ củ cải trắng, cà rốt, rửa sạch, cắt hạt lựu. Ngâm nấm rơm với nước muối pha loãng, cắt bỏ chân, rửa sạch, cắt đôi. Bắc chảo lên bếp, thêm 2 muỗng cà phê dầu mè vào cùng. Đợi dầu nóng, cho củ cải, cà rốt, nấm hương vào xào. Nêm thêm hạt nêm, nước tương, xào tiếp khoảng 5 phút, tắt bếp.
- Vo sạch gạo lứt, để trên rổ cho ráo nước. Bắc chảo lên bếp, cho gạo lứt vào rang trong vòng 10 phút.
- Cho gạo lứt vào nồi, thêm 1 lít nước, bắc lên bếp đun cho chín mềm. Cho toàn bộ hỗn hợp vừa xào vào nồi nấu thêm 3 phút.
- Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi múc ra bát thưởng thức.
Cách nấu cháo gạo lứt đậu xanh
Đậu xanh cũng là sự lựa chọn kết hợp tăng cường chất xơ, khoáng chất cho món cháo gạo lứt. Đặc biệt, đây cũng là món ăn dặm cực tốt cho trẻ nhỏ, các mẹ thường săn đón.
Nguyên liệu
- 200g gạo lứt
- 100g đậu xanh
- 50g nấm bào ngư
- 10g nấm hương
- 50g nấm rơm
- Gia vị: Dầu ăn, muối, tiêu xay
Cách nấu cháo gạo lứt chay đậu xanh
- Vo sạch gạo lứt, cho vào nồi ngâm để qua đêm.
- Cắt bỏ gốc, rửa sạch và ngâm nấm bào ngư, nấm rơm, nấm hương với nước muối pha loãng. Rửa lại với nước, để trên rổ cho ráo, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
- Bắc chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào. Đợi dầu nóng, cho các loại nấm vào xào thơm, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn.
- Bắc nồi lên bếp, cho gạo lứt, đậu xanh vào tiến hành ninh. Khi gạo và đậu chín mềm, cho nấm vừa xào vào, khuấy đều.
- Nêm lại gia vị cho vừa ăn, nấu thêm khoảng 5 phút, tắt bếp.
Cách nấu cháo gạo lứt chay bí đỏ
Cháo gạo lứt bí đỏ cũng là một gợi ý món ăn dặm cho trẻ. Món cháo này giúp tăng cường nhiều dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển như vitamin B (nhất là nhóm B1), protein, chất xơ…
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 100g hạt sen
- 100g đậu đen
- 300g bí đỏ
- 1 muỗng cà phê muối
Cách nấu cháo gạo lứt chay bí đỏ
- Cho gạo vào nồi, vo sạch, rửa sạch đậu đen bằng nước nóng. Cho đậu đen và gạo lứt vào nồi, bắc lên bếp đun trong khoảng 10 phút. Tắt bếp, đậy kín nắp, ủ cả đậu và gạo qua đêm.
- Bắc nồi gạo và đậu lên bếp, cho vào 1 muỗng cà phê muối, bắc đầu ninh.
- Gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ. Cho hạt sen và bí đỏ vào nồi cháo, tiếp tục ninh.
- Đợi khi các nguyên liệu chín nhừ, là bạn đã có hoàn thành món cháo lứt bí đỏ.
Cách nấu cháo gạo lứt chay táo đỏ
Cháo gạo lứt táo đỏ có vị ngọt ngon hấp dẫn làm lịm tim nhiều người. Đặc biệt, món ăn này có tác dụng làm đẹp, kéo dài tuổi thọ. Chính vì vậy, không lạ khi đây được xem là “người bạn” của hội chị em phụ nữ trong quá trình giữ làn da tươi trẻ, vóc dáng thon gọn.
Nguyên liệu
- 6 quả táo đỏ khô
- 50g hạt sen
- 50g gạo tẻ
- 50g gạo lứt
- 1 lít đường phèn
Cách nấu cháo gạo lứt táo đỏ
- Trộn chung và vo 2 loại gạo rồi ngâm trong khoảng 1 tiếng.
- Rửa sạch hạt sen, ngâm cho nở mềm, tiếp tục rửa táo đỏ.
- Cho gạo, táo đỏ, hạt sen vào nồi áp suất, cho nước vào, đậy kín nắp và nấu trong vòng khoảng 25 phút.
- Sau thời gian đó, mở nắp, cho đường phèn vào, khuấy đều là hoàn thành cách nấu cháo gạo lứt chay bằng nồi áp suất.
Cách nấu cháo gạo lứt chay cốt dừa
Gạo lứt nấu chín nhừ, nở mềm, sánh đặc quyện cùng vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt dừa làm “say” lòng người ăn. Cách thực hiện món ăn này lại khá đơn giản, không mất nhiều thời gian.
Nguyên liệu
- 250g gạo lứt
- 2 lít nước
- 100g đường
- 250g nước cốt dừa,
- 1/4 muỗng muối
Cách làm cháo gạo lứt cốt dừa
- Vo sạch gạo sạch, để trên rổ cho ráo bớt nước.
- Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, nước sôi cho gạo vào cùng, điều chỉnh lửa nhỏ. Mở nắp nồi, tiếp tục đun trong 2 tiếng.
- Khi cháo nở mềm và sánh lại, thêm đường vào cùng, khuấy đều và nấu thêm 15 phút.
- Pha muối vào nước cốt dừa, khuấy đều.
- Khi cháo chín, tắt bếp, múc ra bát, thêm nước cốt dừa lên trên là đã có thể thưởng thức.
Cách nấu cháo gạo lứt chay khoai lang
Cả gạo lứt và khoai lang đều chứa nhiều chất xơ tạo nên món cháo dinh dưỡng hỗ trợ hệ tiêu hóa hiệu quả. Sử dụng món cháo này thường xuyên có thể giúp chống táo bón, nhuận tràng, hỗ trợ điều trị đau dạ dày.
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 1-2 củ khoai
- 4 quả táo tàu khô
- 25g đậu đỏ
- 100g đường
Cách nấu cháo gạo lứt khoai lang trị đau dạ dày
- Bắc chảo lên bếp, cho gạo lứt vào rang đều trong khoảng 10 phút.
- Cho gạo vừa rang, đậu đỏ (đã rửa sạch) vào nồi, đổ thêm khoảng 1 lít nước, nấu với lửa nhỏ.
- Trong thời gian nấu cháo, gọt vỏ củ khoai lang, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ.
- Cháo chín nhừ cho khoai lang và táo tàu vào nấu thêm khoảng 20 phút.
- Cho đường vào, khuấy đều là đã hoàn thành món cháo gạo lứt cực bổ dưỡng.
Một số lưu ý khi nấu cháo gạo lứt chay
Khi thực hiện nấu cháo gạo lứt, để đảm bảo giữ nguyên hàm lượng giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị, bạn cần lưu ý:
- Đối với gạo lứt chỉ nên vo sơ qua để sạch bụi bẩn. Không nên vo quá kỹ sẽ khiến gạo mất dinh dưỡng.
- Nên ngâm gạo lứt với nước qua đêm. Đây là mẹo đơn giản để gạo nở mềm và khi nấu chín nhừ, ngon miệng hơn.
- Trong quá trình nấu, nên thường xuyên vớt bọt trắng nổi trên để món cháo bắt mắt hơn.
- Đối với cháo gạo lứt, bạn không nên dùng quá nhiều gia vị.
Cách bảo quản cháo gạo lứt
Nếu cháo gạo lứt ăn không hết nên bảo quản trong ngăn lạnh. Thực hiện theo cách này có thể bảo quản được trong vòng 1-2 ngày.
Trong trường hợp muốn bảo quản lâu hơn, bạn có thể chia cháo thành những phần nhỏ. Rồi cho vào bịch hoặc hộp đậy kín cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi sử dụng chỉ việc cho vào lò vi sóng hâm lại.
Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý rằng, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên để cháo trong tủ lạnh quá 2 ngày. Bởi nếu để quá lâu, cháo sẽ mất đi vị ngon và mất đi dinh dưỡng. Vì vậy, khi nấu, bạn cần cân nhắc số lượng người ăn để nấu lượng vừa đủ.
Cách chọn gạo lứt nấu cháo
Đối với nấu cháo, bạn cần lưu ý một số điều như sau khi lựa chọn gạo:
- Nên ưu tiên chọn loại gạo lứt đen hoặc lứt đỏ. Vì 2 loại này chứa nhiều dưỡng chất hơn so với gạo nâu vàng.
- Cần phân biệt để tránh chọn nhầm gạo lứt và gạo huyết rồng. Gạo huyết rồng khi bẻ đôi có màu đỏ bên trong, ăn có vị ngọt. Còn gạo lứt hạt thong dài, ăn vị nhạt, nhai kỹ mới thấy ngọt.
- Nên chọn mua gạo lứt còn nguyên hạt, không bị bể, nát, thơm mùi đặc trưng của gạo mới.
- Không nên chọn gạo cũ, gạo bị mọt. Do những loại này để lâu ngày sẽ bị mất dinh dưỡng.
- Khi chọn mua gạo lứt, khi chạm tay vào bề ngoài thấy thô ráp, sáng bóng. Do lớp cám phủ bên ngoài hạt gạo.
- Tốt nhất nên chọn mua gạo lứt ở các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Cách ăn cháo gạo lứt an toàn, tốt cho sức khỏe
- Khi ăn cháo gạo lứt, bạn cần xác định rõ mục đích ăn để điều trị bệnh hay giảm cân. Từ đó, mới có thể xác định liều lượng phù hợp tránh ảnh hưởng sức khỏe. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
- Trong thời gian đầu mới ăn gạo lứt, bạn nên uống ít nước (khoảng 0.75 lít), không dùng thực phẩm quá mặn.
- Đối với món cháo gạo lứt nên nhai thật kỹ để tránh làm hại dạ dày hay gây ra các triệu chứng khó tiêu.
- Mặc dù có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, song người ốm, người suy nhược, người bị huyết áp thấp không nên dùng món cháo gạo lứt.
- Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bình thường chỉ nên dùng cháo gạo lứt 2-3 lần/tuần.
Hy vọng, qua bài viết này, bạn có thể lựa chọn được cách nấu cháo gạo lứt chay phù hợp với sức khỏe và sở thích của cả gia đình.
Chúc bạn thành công!