Cái nắng nóng mùa hè đang làm bạn cảm thấy khó chịu và mệt mỏi? Bỏ túi ngay cách làm sương sâm thanh mát “thổi bay” cái nóng chạm ngưỡng 40 độ hiện nay chỉ trong tích tắc. Bạn đã sẵn sàng cùng Ăn Chay Sống Khỏe bật chế độ hạ nhiệt chưa nào?
Mục lục
Cách làm sương sâm bằng lá tươi
Nguyên liệu
- 100g lá sương sâm tươi
- 50g đường
- 1 ít muối
- 600ml nước lọc
Cách làm sương sâm từ lá tươi
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Ngâm lá sương sâm với nước muối pha loãng trong vòng 30 phút, rửa sạch lại với nước. Vớt lá sương sâm ra rổ để ráo, cắt nhỏ.
Bước 2: Xay lá sương sâm
- Cho 600ml nước lọc vào nồi, thêm 50g đường, 1 ít muối, bắc lên bếp đun ấm (khoảng 70 độ C).
- Cho hỗn hợp vừa đun vào máy xay sinh tố, cho lá sương sâm vào cùng, xay nhuyễn.
Bước 3: Làm thạch sương sâm
- Đổ lá sương sâm ra túi lọc, dùng tay vắt mạnh để lấy được hết phần nước. Lọc lại bằng màng bọc để loại bỏ sạch cặn.
- Dùng muỗng vớt bỏ lớp bọt trắng nổi bên trên, cho hỗn hợp vào khuôn. Cho khuôn sương sâm vào ngăn mát tủ lạnh hoặc để ở nhiệt độ thường tầm 2 tiếng.
Bước 4: Thành phẩm
- Sau khi thạch đông hoàn toàn sẽ có màu xanh trong đẹp mắt, có độ óng ánh, mềm mịn. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên. Để ngon miệng hơn, bạn có thể dùng kèm với ít nước cốt dừa hoặc hạt é.
Cách làm sương sâm bằng máy xay sinh tố
Nguyên liệu
- 150g lá sương sâm
- 20g lá dứa
- 100g đường phèn
Cách làm sương sâm bằng máy xay sinh tố
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rửa sạch lá dứa, cắt thành khúc ngắn, để ráo.
- Ngâm lá sương sâm với nước muối pha loãng, rửa sạch, cắt nhỏ. Có thể phơi lá sương sâm khoảng 1-2 tiếng để lá hơi héo. Cách này sẽ giúp sương sâm được dai, ngon hơn.
Bước 2: Xay nguyên liệu
- Cho lá sương sâm đã cắt vào máy xay sinh tố, thêm khoảng 800ml nước, tiến hành xay.
- Dùng rây lọc nước sương sâm vừa xay, dùng muỗng vớt bọt nổi trên bề mặt.
- Để sương sâm ở nhiệt độ phòng khoảng 2 tiếng hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh đợi đông lại.
Bước 3: Nấu nước đường
- Cho 100g đường phèn, 100ml nước, lá dứa vào nồi, bắc lên bếp đun sôi.
- Nước sôi, đường tan thì tắt bếp, đợi nước nguội.
Bước 4: Thành phẩm
- Cắt sương sâm thành miếng nhỏ vừa ăn, cho vào ly.
- Cho nước đường vừa nấu và ít đá viên để món ăn càng thêm mát lạnh.
Cách làm sương sâm không cần máy xay sinh tố
Nguyên liệu
- 500g lá sương sâm (loại có lông)
- 5g muối
- 5g đường
- 4 lít nước lạnh
Cách làm sương sâm lông từ lá tươi không cần máy xay sinh tố
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Nhặt bỏ những lá sương sâm bị vàng, rửa qua với nước pha loãng 5g muối, sau đó cắt nhỏ.
Bước 2: Vò lá sương sâm
- Cho 4 lít nước vào thau, cho lá sương sâm vào cùng, vò nát lá sâm. Vò liên tục cho đến khi lá sâm nhạt màu xanh, hỗn hợp có màu xanh đậm và nổi nhiều bọt.
Bước 3: Làm thạch sương sâm
- Dùng rây lược qua hỗn hợp lá sâm vừa vò để loại bỏ phần bã.
- Để hỗn hợp vừa lọc ở nhiệt độ phòng khoảng 2 tiếng hoặc trong ngăn mát tủ lạnh.
Bước 4: Thành phẩm
- Sau khi thạch sương sâm đông lại, cắt thành khối vừa ăn.
- Cho thạch vào ly, thêm 5g đường, khuấy đều và thưởng thức sự mềm mịn, tan ra ngay trong miệng của sương sâm.
Cách làm sương sâm từ lá khô
Nguyên liệu
- 4 lít nước
- 100g lá khô
- 1 túi vải lọc
Thực hiện làm sương sâm từ lá khô
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cho lá sâm khô vào âu, ngâm với nước khoảng 2 tiếng.
- Sau khi lá sâm khô bắt đầu mềm ra, rửa với nước nhiều lần để sạch bụi bẩn.
Bước 2: Vò lá sâm khô
- Cho lá sâm khô vào âu, thêm 4 lít nước, bắt đầu vò.
- Sau khi vò khoảng 15 phút, lá sâm bắt đầu chảy nhựa, hỗn hợp sánh lại.
- Lúc này, vò nhanh, mạnh tay hơn để sâm không bị đông kết.
Bước 3: Làm thạch sương sâm
- Dùng túi vải để lọc lấy nước sâm vừa vò, loại bỏ phần bã.
- Dùng muỗng vớt bọt nổi trên bề mặt hỗn hợp vừa lọc.
Bước 4: Thành phẩm
- Cho nước sâm vào khay, để trong ngăn mát tủ lạnh đợi đông lại.
Cách làm sương sâm bằng bột
Nguyên liệu
- 30g bột sương sâm
- 1,5 lít nước
- 100g đường thốt nốt
- 10g hạt chia
Cách làm sương sâm bằng bột
Bước 1: Sơ chế hạt chia, nấu bột sương sâm
- Cho 10g hạt chia vào bát có 300ml nước lọc, ngâm khoảng 30 phút.
- Cho 200ml nước vào bát lớn, vừa cho bột sương sâm vào bát nước, vừa khuấy đều tay. Cho hỗn hợp lên bếp, đun sôi, tiếp tục khuấy. Đến khi hỗn hợp sánh lại, cho thêm 800ml nước lọc vào, tiếp tục khuấy đều và đun sôi. Khi nước sôi, nấu thêm khoảng 5 phút nữa, tắt bếp.
Bước 2: Làm thạch sương sâm
- Lọc phần nước vừa nấu bằng túi vải.
- Đổ nước vừa lược vào khuôn, để nguội và đặt vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 60 phút.
Bước 3: Nấu nước đường
- Cho 100g đường thốt nốt vào nồi, thêm 200ml nước, bật bếp đun sôi để đường tan hết.
Bước 4: Thành phẩm
- Cắt sương sâm thành miếng nhỏ cho vào bát.
- Cho hạt chia vào cùng, chan nước đường và thêm vài viên đá là đã hoàn thành.
Một số câu hỏi thường gặp về sương sâm
Công dụng của lá sương sâm là gì?
Cây sương sâm hay còn có nhiều tên gọi khác tùy thuộc vào vùng miền như dây sâm lông, lá mối, sâm nam… Lá sương sâm được xem là một vị thuốc đem lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Theo Đông y, lá sương sâm có tính mát nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, chống táo bón… Đặc biệt, loại lá này hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe của những người mắc bệnh về gan, dạ dày, người bị chứng huyết áp cao, tăng cholesterol, sốt cao…
Mẹo chọn lá tươi để làm sương sâm ngon?
Lá sương sâm có 2 loại là sâm lông và sâm trơn. Thông thường, loại lá sâm lông sẽ tạo ra nhiều thạch hơn. Đối với lá sâm trơn, bạn nên chọn những lá có màu xanh đậm. Không nên chọn những lá còn quá non, màu xanh nhạt hoặc những lá quá già, héo chuyển màu vàng. Còn đối với lá sâm lông, bạn nên chọn những lá già có màu xanh đậm, không chọn lá non, lá có rệp sáp.
Nên dùng lá sâm tươi hay sâm khô?
Bạn có thể dùng lá sâm tươi hoặc khô để làm sương sâm. So với lá sâm tươi thì sâm khô có tính tiện lợi, dễ tìm mua hơn. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên dùng lá sương sâm tươi vì chứa nhiều dưỡng chất hơn. Mặt khác, thạch sương sâm làm từ lá khô ít mùi vị thơm ngon hơn lá tươi.
Mua lá sương sâm ở đâu?
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm mua lá sương sâm ở các chợ, siêu thị, cửa hàng chuyên bán nông sản.
Lá sương sâm giá bao nhiêu?
Tùy vào từng mùa trong năm và khu vực mà lá sương sâm có giá bán khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, giá lá sương sâm tươi dao động từ 50.000 – 70.000 VNĐ/kg. Còn lá sương sâm khô có giá tương đối cao, dao động khoảng 480.000 – 500.000 VNĐ/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do lá khô phải trải qua nhiều khâu chế biến.
Cách bảo quản thạch sương sâm hiệu quả
Cách bảo quản thạch sương sâm tốt nhất là để trong ngăn mát tủ lạnh. Khi nào sử dụng, bạn chỉ cần chắt hết nước là đã có thể sử dụng. Theo cách này, bạn có thể bảo quản thạch sương sâm được trong 2 – 3 ngày.
Cách làm sương sâm không có bọt
Cách làm sương sâm không bị bọt, bạn nên vò lá như thao thác nhào bột. Dùng cả hai tay nhấn, nhào, bóp để làm nát lá. Bạn không nên vò lá theo cách chà xát, vì như vậy sẽ tạo nhiều bọt. Ngoài ra, bạn nên cho lượng nước vào lá sâm vừa đủ ngập lá.
Một số lưu ý khi sử dụng thạch sương sâm
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên khi sử dụng thạch sương sâm bạn cũng cần lưu ý:
- Không nên dùng quá 2 ly thạch trong 1 ngày để tránh gây tình trạng tiêu chảy.
- Thạch sương sâm được bày bán sẵn thường không đảm bảo vệ sinh. Bạn nên tự chế biến tại nhà để đảm bảo an toàn.
- Phụ nữ mang thai có thể dùng thạch sương sâm để giảm tình trạng táo bón trong thai kỳ. Tuy nhiên nên sử dụng với mức hợp lý.
Trên đây là tổng hợp 5 cách làm sương sâm đơn giản tại nhà và tất tần tật thông tin xoay quanh thức uống “thần thánh” giải nhiệt ngày hè này. Mong rằng, đây sẽ là gợi ý hữu ích giúp bạn áp dụng ngay và không còn phải suy nghĩ thời tiết nắng nóng uống gì nữa nhé.