Món xôi chay mùa Vu Lan nào được bạn lựa chọn để “điểm tô” mâm cỗ dâng lên bàn thờ tổ tiên? Dưới đây là top 5 món xôi vừa dẻo thơm, đẹp mắt vừa tốt cho sức khỏe cả gia đình. Bạn đã sẵn sàng khám phá và trổ tài vào bếp cùng Ăn Chay Sống Khỏe?
Xôi vị miền Tây
Xôi vị là món ăn dân dã không kém phần thơm ngon, đặc trưng của miền Tây sông nước. Nguyên liệu chủ yếu chế biến xôi vị là gạo nếp, dùa khô, đường. Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được mùi vị thoang thoảng của các loại gia vị quen thuộc. Đây cũng được xem là nguồn gốc tên gọi đặc biệt của món xôi này.
Nguyên liệu
- 500g gạo nếp
- 150g dừa nạo sợi
- 200g đường
- 5g lá dứa
- 15g mè trắng rang
- 35g đậu phộng rang
- Gia vị: Bột tai vị, dầu ăn, muối, đường
Cách làm xôi vị miền Tây
Sơ chế nguyên liệu
- Vo sạch gạo nếp, vớt ra rổ để cho ráo nước.
- Rửa sạch lá dứa, cắt khúc ngắn cho vào máy xay sinh tố, thêm ít nước rồi xay nhuyễn. Cho phần lá dứa vừa xay ra rây, lược lấy phần nước, loại bỏ phần xác lá dứa.
- Cho gạo nếp vào âu, cho nước lá dứa vào ngâm khoảng 2 tiếng.
- Cho dừa nạo vào bát, thêm nước ấm rồi dùng tay bóp mạnh để dừa ra hết nước cốt. Dùng rây lược lấy phần nước cốt dừa.
Hấp xôi
- Quét lớp dầu ăn vào khuôn, đây là mẹo đơn giản giúp xôi không bị dính.
- Cho gạo nếp đã ngâm với lá dứa vào khuôn, đặt vào nồi bắt đầu hấp cách thủy.
- Khi hạt nếp nở, cho ½ nước cốt dừa vào cùng, đảo đều, tiếp tục hấp thêm 10 phút cho xôi ráo nước.
- Khi xôi chín mềm, tắt bếp, lấy toàn bộ xôi ra mâm lớn.
Tạo hình xôi
- Bắc chảo lên bếp, cho thêm 1 muỗng dầu ăn đun nóng. Cho ½ nước cốt dừa còn lại vào chảo.
- Cho 3 muỗng bột tai vị, ít đường, muối vào cùng, khuấy đều cho đến khi hỗn hợp sệt lại.
- Cho xôi vừa hấp chín vào chảo, đảo đều và nhanh tay cho đến khi nếp không dính chảo.
- Cho một lớp đậu phộng và mè đã rang chín vào đáy khuôn, thêm xôi vừa xào vào. Dùng muỗng ép chặt xôi vào khuôn, thêm lớp đậu phộng và mè rang lên trên, tiếp tục ép chặt.
Thành phẩm
- Bày xôi ra đĩa, cắt thành miếng vừa ăn.
Xôi vị lá dứa
Xôi vị là dứa cũng là một trong những món xôi mùa Vu Lan được nhiều người yêu thích. Bởi món xôi này không chỉ hấp dẫn bởi hương vị mà còn có màu sắc bắt mắt. Chắn chắc, đĩa xôi vị lá dứa sẽ tạo thêm điểm nhấn cho mâm cỗ gia đình dâng lên bàn thờ trong dịp tháng 7 này.
Nguyên liệu
- 500g gạo nếp
- 200g đậu xanh sạch vỏ
- 50g lá dứa
- 5g hoa hồi
- 30g dừa nạo
- 100g mè trắng rang
- 100g đậu phộng rang
- Gia vị: Muối, đường, dầu ăn…
Cách làm xôi vị lá dứa đơn giản
Sơ chế nguyên liệu
- Bắc chảo lên bếp, cho hoa hồi vào rang đến khi thơm rồi cho vào túi vải giã nhuyễn.
- Rửa sạch lá dứa, cắt khúc ngắn, cho vào nồi thêm 1 lít nước và hoa hồi vừa giã. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi.
- Vo sạch gạo nếp rồi cho vào ngâm với nước dứa vừa nấu trong khoảng 1 – 2 tiếng.
- Cho ít nước ấm vào dừa nạo, nhào mạnh tay để lấy hết nước cốt. Dùng vải hoặc rây để lược lấy hết nước cốt dừa.
- Ngâm đậu xanh với nước cho nở mềm, vớt đậu xanh cho vào nồi, thêm ít muối, đường. Tiến hành hấp cách thủy đậu xanh trong vòng 15 – 20 phút.
Nấu/hấp xôi
- Cho nước vào nồi, cho gạo nếp ngâm lá dứa vào xửng đặt vào nồi hấp. Hấp đến khi gạo nếp bắt đầu nở thì cho ½ nước cốt dừa và ít đường vào cùng, trộn đều.
- Tiếp tục hấp thêm khoảng 10 – 15 phút để xôi ráo nước hẳn mới tắt bếp.
- Bắc chảo lên bếp, thêm 1 muỗng dầu ăn rồi cho ½ nước cốt dừa còn lại vào xào.
- Khi nước cốt dừa sệt lại thì cho xôi vừa hấp vào xào cùng, đảo đều tay.
Tạo hình xôi
- Quét lớp dầu ăn mỏng lên khuôn, cho lớp đậu phộng, mè rang vào.
- Thêm lớp xôi, ép thật mạnh tay, cho tiếp lớp đậu xanh, dàn đều ép mạnh.
- Tiếp tục thêm lớp xôi, ép mạnh cuối cùng lớp đậu phộng, mè rang lên trên là hoàn thiện.
Thành phẩm
- Xôi vị lá dứa đậu xanh có màu xanh mướt bên ngoài, màu vàng tươi bên trong đẹp mắt.
- Khi thưởng thức món xôi này, nên dùng kèm thêm ly trà nóng để ngon miệng hơn.
Xôi lá cẩm đậu xanh
Nếu chọn món xôi ngày Vu Lan vừa có hương vị lạ miệng vừa hấp dẫn, bạn có thể nghĩ ngay đến xôi lá cẩm đậu xanh. Đặc biệt, món xôi này có cách chế biến tương đối đơn giản nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Nguyên liệu
- 500g gạo nếp
- 100g đậu xanh
- 1 bó lá dứa
- 30g lá cẩm
- 100g nước cốt dừa
- Gia vị: Muối, đường
Cách nấu xôi lá cẩm đậu xanh bằng nồi cơm điện
Sơ chế lá cẩm
- Nhặt lá cẩm còn tươi, rửa sạch với nước.
- Bắc nồi có 300ml nước lên bếp đun với lửa lớn, nước sôi cho lá cẩm vào.
- Điều chỉnh lửa nhỏ, nấu trong vòng 15 phút để nước trong nồi chuyển sang màu tím.
- Cho thêm 100ml nước vào nồi, tiếp tục nấu thêm khoảng 10 phút rồi tắt bếp.
- Dùng rây lọc lấy phần nước, loại bỏ đi phần lá cẩm.
Sơ chế gạo nếp
- Vo sạch gạo nếp, vớt ra rổ để cho ráo nước. Cho 1 muỗng cà phê muối vào gạo nếp trộn đều, đây là mẹo giúp món xôi thêm đậm đà.
- Cho nước lá cẩm vừa nấu vào bát lớn, cho gạo nếp vào ngâm khoảng 20 – 30 phút.
Hấp xôi
- Rửa sạch lá dứa, xếp dưới đáy nồi cơm điện.
- Cho phần gạo nếp ngâm với nước lá cẩm lên trên, đậy nắp và nấu như thông thường.
- Nấu được khoảng 5 phút, cho nước cốt dừa vào, trộn đều. Đậy kín nắp, tiếp tục nấu chín xôi.
- Sau khi nồi chuyển sang chế độ “warm”, cho vào 2 muỗng cà phê đường, trộn đều. Chuyển lại hâm trong vòng 15 phút.
Nấu nhân đậu xanh
- Cho 100g đậu xanh vào nồi, thêm 150ml nước. Bắc nồi lên bếp, nấu với lửa nhỏ cho đến khi nước cạn.
Thành phẩm
- Lấy xôi ra đĩa, cho phần nhân đậu xanh lên trên. Xôi có màu tím tươi kết hợp cùng màu vàng của đậu xanh cực cuốn hút.
- Xôi mềm dẻo, thơm hương mùi lá dứa, nếp cẩm, đậu xanh hòa quyện tăng thêm hương vị.
Xôi vò miền Bắc
Xôi vò miền Bắc là món ăn quen thuộc với miền Bắc. Đây cũng là món xôi mùa Vu Lan được nhiều người ưu ái lựa chọn. Ngoài dịp đặc biệt này, bạn hoàn toàn có thể chế biến xôi vò để làm thành bữa sáng dinh dưỡng cho cả gia đình.
Nguyên liệu
- 500g gạo nếp
- 200g đậu xanh
- Gia vị: Muối, đường, muối, đường
Nấu xôi vò miền Bắc chuẩn vị
Sơ chế nguyên liệu
- Vo sạch gạo nếp, ngâm với nước khoảng 4 tiếng, vớt ra để ráo.
- Vo sạch đậu xanh, ngâm với nước khoảng 2 tiếng, vớt ra để ráo.
- Cho đậu xanh vào nồi hấp khoảng 30 phút rồi dùng muỗng tán nhuyễn. Thêm vào đậu xanh 1 muỗng canh đường, ¼ muỗng cà phê muối trộn đều.
Nấu xôi
- Cho gạo nếp vào nồi, thêm 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường, trộn đều.
- Cho lượng nước vào xâm xấp mặt gạo, tiến hành nấu trong vòng khoảng 45 phút.
Trộn xôi
- Bắc chảo lên bếp, thêm 2 – 3 muỗng dầu ăn vào phi thơm.
- Dùng đũa xới tơi xôi, cho thêm dầu ăn vừa phi vào trộn đều.
- Tiếp tục cho đậu xanh tán nhuyễn vào trộn đều.
Thành phẩm
- Cho xôi vò ra đĩa, để ngon miệng hơn thêm ít dừa bào sợi lên trên.
Xôi 3 màu
Xôi 3 màu là sự biến tấu linh hoạt giúp món ăn thêm hấp dẫn cuốn hút. Với 3 màu sắc tươi sáng kết hợp, chắc chắn mâm cỗ ngày Vu Lan của gia đình bạn sẽ trở nên nổi bật hơn rất nhiều.
Nguyên liệu
- 1kg gạo nếp
- 200g đậu xanh
- ½ quả gấc
- 1 bó lá dứa
- Gia vị: Muối, đường
Cách nấu xôi 3 màu
Sơ chế gạo nếp và đậu xanh
- Vo sạch gạo nếp, ngâm với nước khoảng 6 tiếng sau đó vớt ra để ráo. Cho thêm 1 muỗng cà phê muối vào trộn đều.
- Rửa sạch đậu xanh, ngâm với nước khoảng 6 tiếng cho nở mềm rồi vớt ra. Cho đậu xanh vào xửng hấp cho chín. Trộn 1 muỗng canh đường vào phần nhân đậu xanh.
Sơ chế lá dứa
- Rửa sạch, cắt lá dứa thành khúc ngắn.
- Cho lá dứa vào máy xay sinh tố, thêm ít nước lọc, xay nhuyễn.
- Lọc qua rây để lấy phần nước cốt lá dứa.
Tạo màu xôi
- Chia gạo nếp thành 3 phần bằng nhau.
- Phần gạo nếp đầu tiên, trộn cùng nước cốt lá dứa để tạo màu xanh.
- Phần gạo nếp thứ 2, trộn cùng ½ hạt quả gấc để tạo màu đỏ.
- Phần gạo nếp còn lại để nguyên.
Cuộn xôi
- Đặt màng bọc thực phẩm nên mặt bằng phẳng như mâm, đĩa lớn.
- Cho lần lượt lớp gạo nếp ngâm lá dứa, gạo nếp trộn hạt gấc, gạo nếp trắng.
- Đặt vào phần đậu xanh lên trên để làm nhân.
- Cuộn tròn, đặt từng cuộn vào nồi hấp cho xôi chín.
Thành phẩm
- Khi xôi chín, mở màng bọc thực phẩm ra, cắt thành từng lát.
- Xôi có 3 màu đẹp mắt, hương vị bùi, ngọt thơm cuốn hút.
Hy vọng, với những gợi ý trên, bạn có thể chọn được món xôi mùa Vu Lan phù hợp. Qua đó, có thể tự tay chế biến, dâng lên bàn thờ tổ tiên để thể hiện tấm lòng hiếu kính. Chúc bạn chế biến thành công!