Cách làm mứt Tết là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam khi Tết Nguyên Đán đến gần. Bởi đây là dịp mọi người trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống. Mứt Tết góp phần mang đến hương vị ngọt ngào và may mắn cho năm mới. Nếu bạn đang tìm kiếm các món mứt bổ dưỡng, hãy cùng Ăn Chay Sống Khỏe khám phá cách làm mứt đơn giản nhưng vẫn đầy hấp dẫn cho dịp lễ này nhé!
Ý nghĩa của mứt chay trong ngày Tết
Mứt là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, tượng trưng cho sự ngọt ngào và phúc lộc dồi dào. Mỗi loại mứt với màu sắc và hương vị riêng đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Mứt gừng cay nồng đại diện cho sự ấm áp và tình cảm gia đình, mứt dừa mềm ngọt biểu trưng cho sự đoàn kết và sum vầy. Những hương vị đặc trưng ấy không chỉ làm phong phú thêm bàn thờ gia tiên, mà còn gửi gắm lời chúc tốt lành cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Món mứt không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng văn hóa của người Việt trong ngày Tết. Qua mỗi miếng mứt, người ta thấy được sự chăm chút, tình cảm và truyền thống lâu đời của dân tộc. Việc chia sẻ mứt với gia đình và bạn bè cũng chính là cách để gắn kết các thế hệ, cùng nhau lưu giữ những giá trị thiêng liêng của Tết cổ truyền. Mứt Tết vì thế không chỉ là lời chúc ngọt ngào, mà còn là cầu nối yêu thương, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn trong dịp đầu xuân.
Một số cách làm mứt Tết ngon
Mứt dừa
Nguyên liệu
- 500g dừa tươi
- 200g đường
- ½ muỗng cà phê muối
- ½ quả chanh
- 1 ống vani
Cách làm mứt dừa non dẻo
- Gọt bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài dừa rồi rửa sạch, cắt thành miếng theo chiều dọc có độ dày khoảng 0.6cm.
- Rửa dừa lại với nước khoảng 3 lần. Vắt chanh ½ qua chanh vào dừa, rửa cùng với nước.
- Cho dừa vào nước sôi, ngâm khoảng 3 phút, vớt ra để ráo.
- Cho dừa vào âu, thêm ½ muỗng cà phê muối, 200g đường vào trộn đều. Ướp khoảng 3 tiếng để đường tan hết ra.
- Cho dừa vào chảo, sên với lửa lớn. Đợi nước đường sôi, hạ nhỏ lửa, tiếp tục sên.
- Nước đường gần cạn, cho vani vào tạo mùi thơm cho mứt dừa. Tiếp tục sên cho đến khi đường khô, tạo phấn trên dừa.
Mứt gừng
Nguyên liệu
- 1kg gừng
- 2 quả chanh
- 500g đường
- Ít muối
Cách làm mứt gừng truyền thống
- Ngâm gừng với nước khoảng 20 phút, rửa sạch. Cạo lớp vỏ bên ngoài, cắt gừng thành lát mỏng rồi ngâm với âu nước muối pha loãng khoảng 2 tiếng, vớt ra để ráo.
- Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, cho gừng vào trụng khoảng 5 – 10 phút. Chắt bỏ nước luộc, thêm nước mới vào nồi, tiếp tục đun sôi.
- Khi nước sôi, vắt nước cốt chanh vào nồi, tiếp tục luộc khoảng 5 phút, vớt ra xả lại với nước lạnh 5 lần.
- Cho đường vào gừng, trộn đều, ướp trong 6 tiếng.
- Bắc chảo lên bếp, cho gừng ướp đường vào sên với lửa vừa. Đảo đều tay cho đến khi ráo nước thì giảm nhỏ lửa. Tiếp tục đảo cho đến khi đường khô và bám vào gừng.
- Trải gừng ra khay, phơi khô gừng dưới nắng.
Mứt khoai lang
Nguyên liệu
- 1kg khoai lang Đà Lạt
- 500g đường
- 1 muỗng cà phê vôi tôi
- Ít muối
Cách làm mứt khoai lang dẻo
- Gọt vỏ khoai, cắt thành miếng vuông nhỏ, ngâm với âu nước pha ít muối rồi rửa sạch.
- Pha nước với 1 muỗng cà phê vôi tôi để qua đêm. Lọc lấy phần nước vôi trong, cho khoai lang vào ngâm khoảng 4 tiếng rồi rửa lại nhiều lần với nước.
- Cho khoai lang vào âu, trộn cùng 500g đường, ướp khoảng 4 tiếng.
- Cho khoai lang ướp đường vào chảo, bắc lên bếp bật lửa nhỏ. Dùng đũa đảo nhẹ để khoai thấm đường, sên cho đến khi đường cạn.
Mứt bí đao
Nguyên liệu
- 1 trái bí đao
- 1 muỗng canh phèn chua
- Nước vôi trong
- 500g đường
Cách làm mứt bí đao không cần vôi
- Gọt vỏ bí đao, loại bỏ hạt và ruột, chỉ giữ lại phần thịt. Rửa sạch rồi cắt sợi dài khoảng 5cm.
- Ngâm bí với nước vôi trong qua đêm, vớt rửa lại nhiều lần.
- Bắc nồi nước, cho 1 muỗng canh phèn chua vào cùng. Cho bí vào chần 1 phút, vớt ra rửa lại với nước, để ráo.
- Trộn 500g đường với bí, ướp trong vòng 5 tiếng.
- Cho bí đã ướp đường vào chảo, bắc lên bếp sên với lửa nhỏ. Đảo tay liên tục cho đến khi đường cạn, kết tinh thành lớp trắng bám quanh mứt bí đao.
Mứt dứa (mứt thơm)
Nguyên liệu:
- 1 trái thơm vừa chín tới
- 150g đường
- 5g phèn chua
Cách làm mứt thơm dẻo, ngon
- Gọt vỏ dứa, loại bỏ phần mắt, rửa sạch với nước rồi cắt thành từng khoanh tròn có độ dài khoảng 1,5cm. Dùng dao tách bỏ phần cùi cứng bên trong.
- Hòa 5g phèn chua với 700ml nước, cho thơm vào cùng, để vào ngăn mát tủ lạnh ngâm khoảng 6 tiếng. Vớt thơm ra rửa sạch với nước.
- Phơi nắng thơm khoảng 3 tiếng để hơi héo lại. Rắc 150g đường lên thơm và ướp 4 tiếng.
- Bắc chảo lên bếp, cho thơm ướp đường vào sên với lửa nhỏ cho đến khi cạn đường.
Mứt me
Nguyên liệu
- 500g me
- 400g đường
- Muối hột
Cách làm mứt me dẻo
- Rửa sạch me, cho vào túi nilon, để vào ngăn đá tủ lạnh qua đêm.
- Lấy me ra rã đông, rồi tách bỏ, cho vào thau nước có pha sẵn 2 muỗng canh muối hột, tiếp tục để qua đêm.
- Dùng dao mũi nhọn, tách cạnh bên trái me để loại bỏ phần hạt bên trong. Me tách hột, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 tiếng.
- Cho me vào âu lớn, thêm 400g đường trắng, trộn đều, ướp trong 6 tiếng.
- Bắc chảo lên bếp, cho me đã ướp vào sên với lửa lớn cho đến khi nước keo lại thì hạ nhỏ lửa. Đảo đều cho đến khi nước me sệt lại, me ngả màu nâu, tắt bếp.
- Xếp me lên vỉ, lót khay ở dưới và cho vào lò nướng sấy ở 50 độ C trong vòng 1 tiếng.
Mứt quất (mứt tắc)
Nguyên liệu
- 500g tắc
- 250g đường
- Ít muối
Cách làm mứt quất sên đường
- Loại bỏ cuống, rửa sạch quất, dùng dao khía xung quanh vỏ tắc thành 4-6 phần (chừa 2 đầu tắc).
- Ấn nhẹ nhàng để ép hết nước tắc và hạt ra bên ngoài. Lược qua rây để lấy phần nước cốt tắc.
- Bắc nồi nước lên bếp, thêm 1 muỗng canh muối, đun sôi. Cho tắc vào trụng sơ rồi tắt bếp, đậy nắp, ngâm trong vòng 10 phút.
- Vớt tắc ngâm với nước đá lạnh để nguội, rửa lại thêm vài lần với nước.
- Ép cho tắc hết nước, cho vào ngâm cùng 250g đường, thêm 2 muỗng canh nước tắc trộn đều, ướp trong vòng khoảng 4 tiếng.
- Bắc chảo lên bếp, cho tắc vào sên với lửa lớn. Khi nước đường sôi, hạ nhỏ lửa, đảo nhẹ và tiếp tục đun cho đến khi đường sệt.
Mứt hạt sen
Nguyên liệu
- 500g hạt sen tươi
- 300g đường
- 1 muỗng cà phê vani (dạng bột)
- Ít muối
Cách làm mứt hạt sen
- Loại bỏ phần tâm sen, rửa sạch. Cho hạt sen vào nồi nước, thêm ít muối, bắc lên bếp luộc chín. Khi hạt sen chín tới, vớt ra cho vào âu nước ngâm khoảng 10 phút, vớt ra để ráo.
- Cho đường phèn vào máy xay rồi xay nhuyễn.
- Cho hạt sen vào tô, thêm đường trộn đều, ướp khoảng 2-3 tiếng.
- Cho hạt sen vào chảo, bắc lên bếp sên với lửa nhỏ, đảo nhẹ để hạt sen ngấm đều đường.
- Tiếp tục đảo cho đến khi hạt sen khô ráo, đường kết tinh bám lên mứt, cho vani vào rồi tắt bếp.
Một Số Cách Kết Hợp Mứt Chay Trong Các Món Ăn
Mứt không chỉ được dùng như thức quà ngày Tết mà còn có thể kết hợp với nhiều món ăn khác. Những sự kết hợp này đem lại sự mới mẻ cho thị giác vừa tạo thêm hương vị độc đáo.
- Thêm mứt vào salad: Bạn có thể thêm một ít mứt chay vào salad để tạo ra hương vị mới mẻ. Mứt dừa hoặc mứt gừng sẽ rất phù hợp cho món salad trái cây.
- Sử dụng làm nhân bánh: Mứt chay có thể được sử dụng làm nhân cho các loại bánh, như bánh bao hoặc bánh trung thu. Hương vị thơm ngon của mứt sẽ làm tăng thêm độ hấp dẫn cho món ăn.
- Kết hợp trong trà: Thêm một chút mứt gừng hoặc mứt quất vào tách trà nóng cũng là một cách tuyệt vời để thưởng thức. Hương vị ngọt ngào kết hợp với vị đắng của trà sẽ mang đến trải nghiệm thú vị.
Cách bảo quản mứt chay ngày Tết
Việc bảo quản mứt là rất quan trọng để giữ được giòn và hương vị thơm ngon. Nếu làm đúng cách, bạn có thể bảo quản mứt từ 1-2 tháng. Bạn có thể áp dụng một số cách bảo quản mứt đơn giản sau:
Cách bảo quản mứt bằng lọ thủy tinh
- Rửa sạch hũ thủy tinh, phơi khô, lau thật khô.
- Cho mứt vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp, đặt vào nơi khô ráo. Cần tránh đặt mứt ở những nơi ẩm ướt hoặc có ánh nắng trực tiếp.
Cách bảo quản bằng túi nilon
- Phơi túi nilong thật khô ráo.
- Cho mứt vào trong, dùng dây cột chặt
Bảo quản mứt bằng cách hút chân không
- Cho mứt vào túi sạch.
- Dùng máy hút chân không hút chặt không khí bên trong.
Bảo quản mứt bằng túi hút ẩm
- Cho mứt vào túi sạch hoặc hũ thủy tinh.
- Cho thêm vào túi hút ẩm, cột chặt dây hoặc đậy kín nắp.
Dùng đường để bảo quản mứt
- Rửa sạch lọ thủy tinh, phơi khô ráo.
- Cho mứt vào lọ thủy tinh.
- Rải lên trên một lớp đường.
Một Số Lưu Ý Khi Làm Mứt Chay
Khi làm mứt Tết tại nhà, bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Chọn nguyên liệu tươi ngon.
- Kiểm soát lượng đường phù hợp với khẩu vị.
- Khi sên mứt cần canh không nên sên quá lâu làm mứt bị khô và mất độ dẻo.
Tự tay làm mứt trong dịp Tết không chỉ giúp bạn thưởng thức những món ăn độc đáo mà còn là cơ hội để gắn kết với gia đình và bạn bè. Hy vọng rằng với những cách làm mứt Tết đơn giản trên, bạn sẽ có thể tạo ra những món mứt ngon, ngọt ngào thưởng thức ngày đầu năm.