Mì thanh long là món ăn đang “làm mưa làm gió” trên thị trường thời gian gần đây. Món ăn này chinh phục người ăn ngay từ màu hồng tự nhiên đẹp mắt. Cùng Ăn Chay Sống Khỏe bỏ túi ngay cách làm đơn giản món ăn hot rần rần này nhé.
Mục lục
Cách làm mì thanh long đơn giản tại nhà
Mì thanh long xuất hiện nhanh chóng làm khuynh đảo mọi trang mạng xã hội. Nhiều người săn tìm công thức chế biến với mong muốn thưởng thức sợi mì tươi, mềm mịn, thơm ngon ngay tại nhà.
Nguyên liệu
- 800g bột đa dụng
- 1 trái thanh long ruột đỏ
- 1 quả trứng gà
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê dầu ăn
- Dụng cụ: Nồi, bát lớn, đĩa, âu, màng bọc thực phẩm, cây cán bột, chai thủy tinh (hoặc ly thủy tinh)…
Cách làm mì thanh long tại nhà
Bước 1: Sơ chế và ép nước thanh long
- Cắt bỏ tai và 2 đầu trái thanh long để dễ dàng thực hiện thao tác tiếp theo.
- Rửa sạch thanh long, bổ làm đôi, bóc bỏ vỏ, chỉ giữ lại phần ruột đỏ bên trong.
- Cho thanh long vào một chiếc rỗ có phần lỗ nhỏ, chà sát để lọc lấy phần nước của thanh long.
- Cho 1/2 muỗng cà phê muối vào bát, đập thêm 1 quả trứng gà. Cho thêm nước thanh long vào tô, đánh hỗn hợp thật đều.
Bước 2: Nhào bột làm mì
- Cho 800g bột mì vào âu, đổ từ từ hỗn hợp thanh long vừa đánh lên trên. Đeo găng tay thực phẩm, nhào bột thật mạnh tay để bột thấm đều màu. Khi vừa nhào nên cho thêm lên bề mặt bột áo để việc nhào thực hiện thuận lợi hơn.
- Mẹo để nhào bột mịn là khi nhào bạn dùng cổ tay miết vào bên trong cục bột. Bạn cũng có thể để cục bột ra mặt phẳng rộng (sạch sẽ) để dễ nhào đều và mạnh tay hơn.
- Khi bột đã thấm đều màu và mịn, bạn chia bột thành từng phần nhỏ, vo thành viên tròn. Cho từng viên bột vào trong từng bát, đậy kín bằng màng bọc thực phẩm, để bột nghỉ trong khoảng 30 phút.
Bước 3: Cán bột và cắt sợi mì
Rắc 1 lớp bột áo trên bề mặt phẳng (sạch), đặt cục bột lên, dùng cây cán bột thành miếng đến khi đạt độ mỏng như ý.
Rắc thêm lớp bột áo mỏng trên bề mặt, gấp miếng bột thành 3, 4 lớp. Bôi lớp bột áo trên bề mặt dao rồi cắt bột thành sợi dài có bề ngang khoảng 0,3cm. Đây là mẹo đơn giản giúp bột không bị dính vào dao và dễ cắt hơn. Lưu ý, khi cắt bạn không nên dùng lực tay quá mạnh sẽ làm bột bị dính và khó tách sợi.
Bước 4: Luộc mì
- Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn vào cùng.
- Cho mì thanh long vừa cắt sợi vào, đảo đều nhẹ tay.
- Luộc mì trong khoảng 1 phút thì vớt ra ngoài cho vào tô nước đá lạnh rồi vớt ra ngoài.
Bước 5: Thành phẩm
- Hoàn thành cách làm mì thanh long đơn giản chỉ sau vài bước. Thành phẩm mì có màu hồng tươi hấp dẫn, điểm xuyến vài hạt thanh long đẹp mắt.
- Sợi mì tươi thanh long mềm, mịn, có vị ngọt dịu, thanh mát.
Một số lưu ý khi chế biến mì thanh long
Khi thực hiện cách làm mì thanh long tại nhà, bạn cần lưu ý một số điều như sau:
- Không nên dùng máy xay sinh tố hoặc máy ép để xay nhuyễn thanh long. Vì như vậy, hạt thanh long sẽ bị vỡ hoặc nát dẫn đến thành phẩm sợi mì không được mịn.
- Nếu không có cây cán bột, bạn có thể dùng chai, ly thủy tinh có hình trụ tròn thay thế.
- Độ dày mỏng của sợi mì tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, do đó bạn có thể điều chỉnh khi cán mì.
- Trứng gà sẽ giúp sợi mì dai hơn, tuy nhiên nếu bạn ăn chay không dùng trứng thì có thể loại bỏ nguyên liệu này.
Cách chọn thanh long ruột đỏ ngon để làm mì
Là nguyên liệu quan trọng quyết định đến hình thức và hương vị của thành phẩm, do đó bạn cần “bỏ túi” một số mẹo chọn thanh long ruột đỏ ngon như:
- Nên chọn những quả thanh long có vỏ màu đỏ sẫm, căng mọng, tai còn xanh, không bị héo, quả hình dáng tương đối tròn.
- Nếu được ăn thử, bạn chọn quả có vị ngọt, giòn, màu ruột hồng tươi.
- Trường hợp không có thanh long ruột đỏ, bạn vẫn có thể dùng thanh long ruột trắng để chế biến. Thành phẩm chỉ khác về màu sắc, còn về hương vị sẽ không có gì khác biệt.
Cách bảo quản mì thanh long đơn giản
Có 2 cách bảo quản mì thanh long sau khi làm xong:
- Cách 1: Cho mì vào túi thực phẩm hoặc hộp đậy kín nắp, bảo quản nơi khô ráo. Với cách này, bạn có thể bảo quản mì được trong vòng 3 ngày.
- Cách 2: Bạn có thể cuộn mì thành nhiều phần khác nhau, để trong túi/hộp đậy kín để trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 5 ngày.
Với những cách bảo quản này, khi sử dụng, bạn chỉ cần đem ra luộc và chế biến.
Giá trị dinh dưỡng của thanh long
Thanh long là loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Thanh long là nguồn cung cấp vitamin A, C, sắt, canxi, chất xơ và ma giê tuyệt vời. Bạn có thể bất ngờ khi biết rằng một quả thanh long chỉ chứa 60 calo nhưng lại có đến 2,9g chất xơ.
Theo một nghiên cứu, cứ trung bình 170g thanh long, có thành phần dinh dưỡng:
- 102 calo
- 0g chất béo
- 2g protein
- 22g carbohydrate
- 5g chất xơ
- 13g đường
- 100 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A
- 4mg vitamin C
- 31mg canxi
- 1g sắt
- 68mg ma giê
Ngoài ra, trong thanh long còn có nhiều dinh dưỡng thiết yếu như polyphenol, carotenoids và betacyanin.
Lợi ích bất ngờ của thanh long đối với sức khỏe
Thanh long là thực phẩm đem lại nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe như:
- Giàu chất xơ
- Bảo vệ sức khỏe đường ruột
- Tăng cường hệ thống miễn dịch
- Tăng khả năng chống nhiễm trùng
- Giảm tình trạng thiếu máu khi mang thai
- Ngăn chặn các dấu hiệu lão hóa
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thanh long có vị chua, tính mát. Do đó, những người tỳ vị hư hàn, người tiêu chảy, đầy bụng không nên dùng thanh long và các thực phẩm chế biến từ thanh long.
Mì thanh long vừa đẹp mắt vừa lạ miệng, thanh mát, hỗ trợ đẹp da. Không chỉ vậy, cách làm mì thanh long lại cực đơn giản. Cùng “bắt trend” ngay để đổi vị cho cả gia đình mình trong bữa ăn hôm nay nhé.
Chúc bạn thực hiện thành công!